Ngày 15/11, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Công an và Cơ quan của Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức Lễ Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024 với chủ đề "Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái."
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15/11 đến ngày 15/12 hằng năm. 100% các địa phương và nhiều bộ ngành, cơ quan trung ương đã xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động.
Trong những năm qua, với sự chung tay, phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và địa phương, công tác bình đẳng giới trong thời gian qua đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Có 59% các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ. 74,6% chính quyền địa phương cấp tỉnh có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực.
Điểm nhấn của lễ phát động năm nay chính là sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan, đơn vị trong lực lượng công an nhân dân thông qua việc phối hợp tổ chức lễ phát động và cam kết thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
Tại buổi lễ phát động, Trung tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Trong những năm qua, Bộ Công an luôn quan tâm, chỉ đạo lực lượng Công an các cấp chủ động phối hợp với các đơn vị, bộ ngành, cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện sớm, can thiệp và xử lý kịp thời các vụ bạo lực trên cơ sở giới, môi giới hôn nhân bất hợp pháp và bảo vệ nạn nhân; phòng chống tội phạm xâm hại trẻ em, tội phạm mua bán người; phối hợp tổ chức ký kết và thực hiện các quy chế phối hợp liên ngành liên quan đến công tác phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Những nhiệm vụ này sẽ tiếp tục được triển khai trong lực lượng công an nhân dân trong thời gian tới". Thay mặt các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Paulines Tamasis, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết tổ chức này đang hỗ trợ nâng cao năng lực của lực lượng công an Việt Nam trong việc xử lý các vụ việc hiệu quả, đảm bảo quy trình điều tra thân thiện với trẻ em, thân thiện với nạn nhân, nhạy cảm về giới và đáp ứng giới. "Thông qua các hoạt động hợp tác, chúng tôi mong muốn lực lượng công an được trang bị đầy đủ và được đào tạo để mang lại sự tự tin, an toàn cho phụ nữ và trẻ em khi trình báo và tìm kiếm trợ giúp từ các cơ quan chức năng," bà Paulines Tamasis nói.
Năm 2024, chủ đề của Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thể hiện ưu tiên và nội dung trọng tâm của Việt Nam hiện nay trong việc thúc đẩy bình đẳng giới thực chất, nhằm phát huy năng lực, vai trò, tiềm năng của phụ nữ và nam giới cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Bình đẳng giới là động lực thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội, mở ra cánh cửa cho một tương lai tươi sáng hơn. Trên toàn thế giới, các quốc gia đang cùng nhau nỗ lực để xây dựng một xã hội mà ở đó, mọi người đều có cơ hội bình đẳng. Bình đẳng giới là khi nam và nữ được đối xử công bằng, có cơ hội như nhau để phát triển và đóng góp cho xã hội. Đó không chỉ là một khẩu hiệu mà là nền tảng cho một xã hội công bằng, tiến bộ.
Đảng và Nhà nước ta đã có những hành động quyết liệt để hiện thực hóa mục tiêu bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 là những minh chứng rõ ràng cho quyết tâm đó. Thực hiện lời kêu gọi của Đảng và nhà nước, cùng với việc tham gia các công ước quốc tế về quyền con người, Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật. Nhờ đó, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em gái ngày càng được bảo vệ, tạo nên những chuyển biến tích cực rõ rệt.
Mỗi người, bất kể là nam hay nữ, đều có những giá trị và đóng góp riêng cho xã hội. Phụ nữ không chỉ sở hữu vẻ đẹp dịu dàng mà còn có trí tuệ, sự kiên cường và tấm lòng bao dung. Nam giới không chỉ mạnh mẽ mà còn cần sự tinh tế và thấu hiểu. Để xây dựng một gia đình hạnh phúc và một xã hội tiến bộ, chúng ta cần tôn trọng và trân trọng những khác biệt ấy. Hãy cùng nhau phá bỏ những định kiến lỗi thời về vai trò giới. Bình đẳng giới không có nghĩa là xóa nhòa đi những nét đặc trưng của mỗi giới, mà là tạo điều kiện để tất cả mọi người được phát triển tối đa khả năng của mình. Chúng ta hãy cùng nhau xây dựng một xã hội mà ở đó, phụ nữ được trao quyền, được tham gia vào mọi lĩnh vực của đời sống, và nam giới cũng được chia sẻ những trách nhiệm gia đình.
Để đẩy mạnh việc bình đẳng giới 2024, chúng ta cần thực hiện tốt thông điệp tuyên truyền:
- Về Luật pháp, chính sách, chủ trương:
+ Hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2024.
+ Đầu tư cho bình đẳng giới là đầu tư cho tương lai.
+ Bình đẳng giới là thước đo của sự văn minh, tiến bộ và công bằng xã hội.
+ Tăng quyền năng cho phụ nữ là tăng vị thế của quốc gia.
+ Giới tính không quyết định năng lực và trình độ.
+ Nam, nữ bình đẳng, xã hội văn minh, gia đình hạnh phúc.
+ Bình đẳng giới là chìa khóa để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới.
+ Hành động ngay hôm nay, bình đẳng giới trong tầm tay.
+ Nam, nữ bình quyền, xã hội phát triển.
+ Ưu tiên nguồn lực cho phụ nữ và trẻ em gái.
+ Nâng cao vai trò của phụ nữ giúp hòa bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Về phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới:
+ Mọi hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em là vi phạm pháp luật.
+ Mọi hình thức bạo lực đều vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm minh.
+ Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương.
+ Hãy tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại, quấy rối tình dục phụ nữ và trẻ em.
+ Hãy lên tiếng khi bị bạo lực.
+ Hãy hành động vì cộng đồng bình đẳng, văn minh, an toàn và không bạo lực.
+ Im lặng không phải là cách để bảo vệ bản thân và người bị xâm hại.
+ Đồng tình với bạo lực là bạn đang cổ xúy cho hành vi sai trái.
+ Không đổ lỗi cho người bị bạo lực.
+ Không phân biệt đối xử và bạo lực trên không gian mạng.
- Về huy động sự tham gia của nam giới và xã hội:
+ Chia sẻ việc nhà, gia đình hạnh phúc.
+ Việc nhà không của riêng ai.
+ Mình là đàn ông, mình không gây bạo lực.
+ Hãy chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Căn cứ Điều 7 Luật Bình đẳng giới 2006 quy định các chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới như sau:
- Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.
- Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.
- Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.
- Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.
*Ngoài vấn đề bình đẳng giới, tình trạng bạo lực trong trường học đã và đang diễn ra nóng bỏng trên khắp thế giới ở tất cả những cấp học, lớp học khác nhau. Bạo lực học đường không chỉ sảy ra ở học sinh nam mà còn cả ở học sinh nữ; không chỉ giữa học sinh với học sinh mà còn có bạo lực giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh.
- Ảnh hưởng đến bản thân học sinh
Gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt thể xác.
Tồi tệ hơn khi không ít vụ bạo lực đã cướp đi sinh mạng của những học sinh vô tội để lại sự thiệt thòi, đau đớn không chỉ về mặt thể xác mà cả tinh thần cho học sinh và gia đình.
Những học sinh bị bạo lực, nhất là bạo lực về tinh thần, bạo lực ngôn ngữ thường cảm thấy bị tổn thương, chán nản, lo âu, cô đơn, suy sụp… Sự sợ hãi hoặc nỗi ám ảnh. Thậm chí, tình trạng này có thể kéo dài suốt cuộc đời. Các em không dám ra ngoài chơi hoặc đến trường, không thể tập trung vào học hành.
Kể cả những em chỉ chứng kiến chứ không tham gia hành vi bạo lực cũng bị ảnh hưởng. Chứng kiến những hành vi bạo lực khiến các em cảm thấy sợ hãi, và nếu thấy những kẻ gây ra bạo lực không bị trừng trị thì những em chứng kiến cũng có thể hùa theo số đông, ủng hộ hành vi này, và có nhiều khả năng trở thành kẻ có hành vi bạo lực trong tương lai.
Với những ảnh hưởng về mặt sức khỏe cùng với tâm lý lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, học sinh không thể học tập với kết quả tốt nhất có thể. Thậm chí, sự căng thẳng quá mức về mặt tâm lý có thể buộc học sinh kết thúc việc học của mình, hoặc cũng có thể vì gây ra hành vi bạo lực mà học sinh phải nhận kỷ luật đuổi học. Từ đó, tương lai của các em rẽ sang một bước ngoặt khác không mấy khả quan. Đặc biệt, những đứa trẻ có hành vi bạo lực, lạm dụng quyền hành từ khi còn nhỏ, khi lớn lên có thể mắc phải những hành vi tội ác nhiều hơn những đứa trẻ khác. Trẻ em liên lụy vào hành vi bạo lực dù ở vai trò này hay vai trò kia cũng đều có nguy cơ lạm dụng rượu, thuốc lá, và các loại ma túy.
- Ảnh hưởng đến gia đình
Không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng.
- Ảnh hưởng đến nhà trường
Hành vi bạo lực không chỉ tác động xấu đến nạn nhân mà còn khiến không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm.
Ngoài ra, những hành vi bạo lực học đường của học sinh sẽ trở thành nỗi bất an của phụ huynh khi gửi con em mình đến trường, làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lạnh mạnh trong sáng.
* Cách phòng tránh bạo lực học đường:
Đối với học sinh:
- Tích cực rèn luyện kĩ năng sống, ngoan ngoãn lễ phép với ông bà, bố mẹ, với thầy cô giáo.
- Chấp hành tốt nội quy trường lớp.
- Tránh xa bạo lực. nói không với bạo lực.
- Nếu thấy hiện tượng bạo lực phải kịp thời báo ngay cho nhà trường, thầy cô giáo hoặc cơ quan có thẩm quyền để kịp thời can thiệp và xử lí.
- Học cách kiềm chế cảm xúc.
- Tích cực tham gia vào các hoạt động tình nguyện mà nhà trường tổ chức nhằm tăng tính thiện và tính hướng thiện trong con người các em.
Đối với nhà trường và các cơ quan quản lý giáo dục:
- Tích cực hoàn thiện bộ rèn luyện kỹ năng sống và đưa bộ môn dạy kỹ năng sống vào trong nhà trường.
- Tổ chức các hoạt động sân trường, hoàn động tình nguyện mang tính hướng thiện và định hướng nhân cách cho học sinh, giúp học sinh phát huy những đức tính tốt đẹp trong bản thân.
- Có hình phạt và cách giáo dục nghiêm khắc, phù hợp đối với những học sinh gây ra bạo lực, và có hình thức hỗ trợ kịp thời đối với nạn nhân của các vụ bạo lực.
- Tổ chức tuyên truyền tác hại và cách phòng tránh bạo lực học đường đối với giáo viên và học sinh.
- Phối hợp với gia đình và cơ quan đoàn thể đóng trên địa bàn xã trong công cuộc phòng tránh bạo lực học đường.
Đối với giáo viên
- Thường xuyên quan tâm, theo dõi và nắm bắt tình hình của các em học sinh trong lớp mình chủ nhiệm hoặc tham gia giảng dạy đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên tham gia dạy kỹ năng sống.
- Có biện pháp can ngăn giáo dục kịp thời đối với hiện tượng có nguy cơ dẫn đến bạo lực đối với học sinh trong lớp chủ nhiệm haowjc tham gia giảng dạy.
- Tích cực tổ chức các hoạt động sân trường, hoạt động tập thể trong giờ hoạt động sân trường hoặc trong tiết sinh hoạt, nhằm tăng tình cảm của các em học sinh trong cùng lớp, cùng trường.
- Tạo môi trường học tập và giảng dạy trong sáng lành mạnh.
- Phối hợp với gia đình và nhà trường để quan tâm và hỗ trợ kịp thời những khó khăn vướng mắc của học sinh.
Đối với gia đình:
- Bố mẹ cần tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con cái
- Đồng thời phối hợp chặt chẽ với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con em mình tại trường học./.
Tổ Sử - Địa – GD KT & PL
Giáo viên: Trần Thị Dung